Tình hình các doanh nghiệp trong lĩnh vực Logistics tại Việt Nam

Hiện nay, trên cả nước đang có khoảng hơn 3.000 doanh nghiệp đang hoạt động trong lĩnh vực Logistics, phần lớn các doanh nghiệp này đều là các doanh nghiệp vừa và nhỏ với doanh thu dưới 10 triệu USD/năm. Trong số các doanh nghiệp Logistics, có khoảng 70% các doanh nghiệp đang nằm trong chuỗi 1PL và 2PL (1PL là hình thức dịch vụ mà những người sở hữu hàng hóa tự mình tổ chức và thực hiện các hoạt động Logistics để đáp ứng nhu cầu của bản thân; 2PL là một chuỗi những người cung cấp dịch vụ cho hoạt động đơn lẻ cho chuỗi hoạt động logistics nhằm đáp ứng nhu cầu của chủ hàng nhưng chưa tích hợp với hoạt động logistics,chỉ đảm nhận một khâu trong chuỗi logistics), với các chuỗi 1PL và 2PL được đánh giá là có ít giá trị gia tăng trong dịch vụ Logistics do số lượng hàng hóa qua các doanh nghiệp này thường không lớn và quá trình vận chuyển đơn giản.

Trong khi đó, các chuỗi cung cấp Logistics 3PL và 4PL (3PL là việc thuê các công ty bên ngoài để thực hiện các hoạt động logistics, có thể là toàn bộ quá trình quản lí logistics hoặc một số hoạt động có chọn lọc; 4PL là công ty đóng vai trò hợp nhất, gắn kết các nguồn lực tiềm năng và cơ sở vật chất kỹ thuật của mình với các tổ chức khác để thiết kế, xây dựng và vận hành các giải pháp chuỗi logistics toàn diện) hầu hết đều thuộc các doanh nghiệp lớn trên thế giới sở hữu một hệ thống Logistics toàn diện (Tập đoàn Unilever, P&G, Masan…) và có các hệ thống bán lẻ rộng (Hệ thống siêu thị BigC, Metro, Aeon…). Tuy nhiên, một số doanh nghiệp nội địa lớn tại Việt Nam cũng đã tiếp cập và bắt đầu áp dụng chuỗi cung cấp này có thể kể đến như: Công ty Cổ phần Gemadept, Công ty Cổ phần Transimex, Công Ty Cổ Phần Giao Nhận và Vận Chuyển Indo Trần, Công ty Cổ phần Vinafco. Điều này cũng cho thấy một tín hiệu đáng mừng khi các công ty Logistics của Việt Nam đã phần nào áp dụng được những mô hình vận chuyển, giao nhận hiện đại của thế giới.

Trong năm 2017, ngành Logistics tại Việt Nam có thể được phân thành ba loại chính là Vận chuyển, Giao nhận và Kho bãi, trong đó Vận chuyển chiếm khoảng 60% tổng giá trị thị trường. Từ năm 2014 đến nay, tổng khối lượng hàng hóa vận chuyển tăng ổn định ở mức 12,8%/năm. Nếu xét trong 2 năm trở lại đây, có thể thấy ngành Logistics của Việt Nam đã có những tiến bộ vượt bậc (tăng từ 2,98 năm 2016 lên 3,27 trong năm 2018), theo đánh giá của World Bank năm 2018, chỉ số Năng lực quốc gia về Logistics của Việt Nam (LPI) đứng thứ 39 trên tổng số 160 quốc gia (đứng thứ 5 trong khu vực ASEAN). Cụ thể, các yếu tố được đánh giá có sự cải thiện lớn trong thời gian qua có thể kể đến là: Cơ sở hạ tầng, Năng lực logistics và Khả năng kiểm soát đơn hàng. Điều này cũng phần nào được thể hiện thông qua việc có thêm ngày càng nhiều các doanh nghiệp mới hoạt động trong lĩnh vực Logistics, tỷ lệ tăng thêm của các doanh nghiệp Logistics đã lên tới 40-50% từ năm 2017-2018 (trước đó chỉ đạt 15-20% từ năm 2015-2016).

 

 

Với tầm quan trọng ngày càng lớn của ngành Logistics trong việc phát triển kinh tế và kỳ vọng đóng góp 10% vào GDP năm 2025, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 200/QĐ –TTg ngày 14/2/2017 về việc phê duyệt kế hoạch hành động nâng cao năng lực cạnh tranh và phát triển dịch vụ logistics Việt Nam đến năm 2025, trong đó đã nêu rõ:

– Logistics là một ngành dịch vụ quan trọng trong cơ cấu tổng thể nền kinh tế quốc dân, đóng vai trò hỗ trợ, kết nối và thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội của cả nước cũng như từng địa phương, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế;

– Tập trung nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp cung cấp dịch vụ logistics. Phát triển các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ logistics về số lượng, quy mô, trình độ nhân lực, có năng lực cạnh tranh cao ở thị trường trong nước và quốc tế.

 

Vũ Minh Quân

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *